top of page

3 kinh nghiệm tìm việc làm giúp bạn “kiếm job” nhanh hơn

  • Ảnh của tác giả: Truc Nguyen
    Truc Nguyen
  • 16 thg 2
  • 5 phút đọc

Đã cập nhật: 18 thg 2

(Trong bài viết, một số chỗ mình gọi là job hay jobs để nói về việc làm như cách nói phổ biến trên thị trường hiện nay)


Mỗi người sẽ có một tốc độ tìm được việc làm mới khác nhau. Điều này phụ thuộc vào năng lực, mong muốn, mối quan hệ, tình hình thị trường lao động thời điểm tìm việc,… Đây là những yếu tố mà bạn cần nhiều thời gian, công sức để trau dồi. Trong phạm vi bài viết này, mình sẽ cung cấp cho bạn 3 kinh nghiệm tìm việc làm mà bạn có thể áp dụng ngay nhằm tăng cơ hội có được công việc phù hợp.


kinh-nghiem-tim-viec-lam
Kinh nghiệm tìm việc làm

Chắc chắn bản thân không bỏ sót một trang tuyển dụng nào


Hiện nay trên thị trường có rất nhiều website tuyển dụng. Mặc dù, có nhiều công việc đăng trùng trên các website. Tuy nhiên, vẫn có nhiều jobs chỉ đăng ở một số website nhất định.


Vì có những website chuyên đăng tin sẽ thu phí nhà tuyển dụng, nên để tối ưu chi phí, nhà tuyển dụng chỉ đăng tải ở một số website tiềm năng. Vì vậy, bạn cần chắc chắn mình đã tìm kiếm công việc ở tất các các trang web tiềm năng đang có trên thị trường.


Dưới đây là những trang web tuyển dụng thông dụng nhất mà bạn có thể tham khảo.


Ở một số website còn cho phép bạn cập nhật CV và hồ sơ trên chính trang web. Lúc này, nhà tuyển dụng sẽ tìm đến hồ sơ của bạn và chủ động liên hệ nếu phù hợp. Ngoài ra, với LinkedIn, bạn còn có thể tìm thêm các tin tuyển dụng khi đăng ký gói premium. Đây là quyền lợi dành riêng cho khách hàng có trả phí của LinkedIn.


Trang tìm kiếm của Google và website doanh nghiệp cũng là những kênh tìm việc tiềm năng


Bên cạnh các trang web tuyển dụng, bạn còn có thể tìm kiếm việc làm trên chính thanh tìm kiếm của Google. Bạn chỉ cần gõ từ khóa công việc mong muốn, Google sẽ đề xuất các tin tuyển dụng liên quan.


kinh-nghiem-tim-viec-lam-1
Thao tác gõ từ khóa "Tìm việc content marketing" trên thanh tìm kiếm

Ngoài ra, bạn có thể vào trực tiếp website công ty bạn yêu thích để tìm thông tin tuyển dụng. Hầu hết các website của các doanh nghiệp đều có chuyên mục tuyển dụng.


kinh-nghiem-tim-viec-lam-2
Tìm kiếm công việc trên website của trường RMIT Việt Nam

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể trực tiếp nhắn tin thông qua các kênh truyền thông để hỏi về nhu cầu tuyển dụng. Cách này có thể nhanh hoặc chậm, tùy theo quy trình làm việc của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu đã là cách thì mình cứ thử thôi, cũng đâu có mất mát gì đâu đúng hông.


Kinh nghiệm tìm việc làm của mình khi đọc mô tả công việc (JD)


Trong suốt 4 năm đi làm, có những quy định của doanh nghiệp phù hợp và không phù hợp với mình. Nhưng ít nhất, trong tất cả các công ty từng làm qua thì chưa có môi trường nào là độc hại và không có bất kỳ cơ hội nào để mình phát triển bản thân.


Vì mình khá kỹ khi đọc JD ứng tuyển và dưới đây là 3 lưu ý cơ bản nhưng quan trọng về JD, bạn có thể tham khảo:


  • Thông tin công việc và quyền lợi rõ ràng, minh bạch. Cờ đỏ (red flag) ở đây sẽ là công việc thì mô tả dài như sớ táo quân nhưng quyền lợi chỉ vỏn vẹn một dòng “Thương lượng”. Có những công ty chỉ ghi mô tả công việc mà “bỏ quên” phần quyền lợi.


  • Câu mô tả trong phần quyền lợi “Môi trường làm việc năng động, sáng tạo, có cơ hội phát triển và thăng tiến trong nghề nghiệp” với mình không nên là một ý chỉ ghi ra, mà nên được thể hiện bằng hành động cụ thể hơn. Không thể phủ nhận ai cũng mong muốn một môi trường làm việc tốt như mô tả. Tuy nhiên, nếu chỉ nói suôn ý này để phần mô tả quyền lợi trông có vẻ dài và nhiều hơn thì bạn nên cân nhắc công việc ở những JD khác có những quyền lợi cụ thể thì hơn.


  • Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và 12 ngày nghỉ phép là quyền lợi bắt buộc có của người lao động theo pháp luật.


    • Tại khoản 1, điều 168 bộ luật lao động 2019 có quy định:

      “Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.”


    • Tại khoản 3, điều 168 bộ luật lao động 2019 có quy định:

      “Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.”


    • Tại khoản 1, điều 113 - Bộ luật Lao động 2019 có quy định:

      Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

      a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

      b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

      c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.


Với những kinh nghiệm tìm việc làm trên, hy vọng rằng bạn sẽ không bỏ sót bất kỳ cơ hội công việc tiềm năng nào đang có trên thị trường. Tuy nhiên, những chia sẻ này không đảm bảo bạn chắc chắn sẽ có được công việc như ý sau khi áp dụng. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tìm việc của mỗi người. Vì vậy, bạn hãy không ngừng phản tư để xem mình có bị “kẹt” ở đoạn nào không và tìm ra phương pháp phù hợp nhất nhé. Chúc bạn thành công.


Truc Nguyen Writer

Comments


ĐĂNG KÝ NHẬN THÔNG BÁO BÀI VIẾT MỚI

Cảm ơn bạn đã đăng ký nhận bản tin bài viết của Trúc!

© 2035 by Closet Confidential. Powered and secured by Wix

bottom of page